Dạo gần đây có rất nhiềụ bác tài hoang mang về những quy định mới liên quan đến bằng lái xe (hay còn gọi là GPLX), cụ thể như, theo thắc mắc của một bác tài: “Bằng lái của tôi hiện tại đang là B2. Tuy nhiên, theo quy định mới, từ năm 2025, bằng lái xe B2 đổi sang C1. Vậy, bằng lái xe B2 cũ đổi sang C1 mới thì tôi sẽ được lái những loại xe nào?”
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này cũng như hướng dẫn chi tiết liên quan đến đổi bằng lái, mời các anh chị bác tài cùng xem hết bài viết dưới đây nhé!
Dựa theo Khoản 3 Điều 89 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định trường hợp người có giấy phép lái xe (hay còn gọi là bằng lái xe) hạng B2 đã được cấp trước ngày 01/01/2025 nếu có nhu cầu đổi, cấp lại giấy phép lái xe thì được đổi cấp đổi sang phân hạng mới như sau: “Giấy phép lái xe hạng B1, B2 được đổi, cấp lại sang giấy phép lái xe hạng B hoặc hạng C1 và chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có trọng tải đến 3.500kg”.
Chi tiết các loại xe nằm trong danh mục của bằng lái hạng C1 dựa theo khoản 1 Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nêu rõ người lái xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3.500kg đến 7.500kg; các loại xe ô tô tải quy định cho giấy phép lái xe hạng C1 kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg; các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B.
Chiếu theo quy định trước đó, bằng lái xe hạng B2 cũ được cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg theo Khoản 4 Điều 59 Luật Giao thông đường bộ 2008
Trong đó, bằng lái xe hạng B mới được cấp cho người lái xe ô tô chở người đến 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe); xe ô tô tải và ô tô chuyên dùng có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3.500kg; các loại xe ô tô quy định cho giấy phép lái xe hạng B kéo rơ moóc có khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 750kg.
Bằng lái xe hạng C1 sẽ có niên hạn sử dụng bao lâu?
Thời hạn của giấy phép lái xe được quy định như sau:
– Giấy phép lái xe các hạng A1, A, B1 không thời hạn;
– Giấy phép lái xe hạng B và hạng C1 có thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp;
– Giấy phép lái xe các hạng C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE có thời hạn 05 năm kể từ ngày cấp.
Như vậy, theo quy định nêu trên, bằng lái xe hạng C1 mới sẽ có thời hạn sử dụng đến 10 năm kể từ ngày cấp;
Quy trình đổi bằng từ B2 cũ lên C1 mới sẽ như thế nào?
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Theo đó, cá nhân lập 01 bộ hồ sơ theo quy định gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến đến Sở Giao thông vận tải.
Cụ thể, hồ sơ đổi giấy phép lái xe do ngành Giao thông vận tải cấp, gồm:
– Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định: TẢI VỀ
– Giấy khám sức khỏe của người lái xe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh cấp còn hiệu lực (trừ người có giấy phép lái xe hạng A, A1, B1);
– Bản sao hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao điện tử được cấp từ sổ gốc của giấy phép lái xe hoặc Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với trường hợp tước quyền sử dụng giấy phép lái xe tích hợp;
– Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng (đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp cá nhân phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí khi được tiếp nhận hồ sơ.
Trường hợp nộp hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, cá nhân kê khai theo hướng dẫn, phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của nội dung đã kê khai và phải hoàn thành nghĩa vụ nộp lệ phí cấp giấy phép lái xe thông qua chức năng thanh toán của hệ thống dịch vụ công trực tuyến theo quy định và nộp phí sử dụng dịch vụ khác theo nhu cầu của cá nhân; khi nhận giấy phép lái xe, phải nộp lại giấy phép lái xe cũ để lưu hồ sơ;
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
- Sở GTVT kiểm tra hồ sơ và tra cứu thông tin vi phạm thông qua:
- Phần mềm quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX
- Cơ sở dữ liệu an toàn giao thông của Công an
- Tài khoản định danh điện tử
- Nếu hồ sơ không đạt yêu cầu: Thông báo cho cá nhân trong 2 ngày làm việc qua:
- Trực tiếp
- Văn bản
- Dịch vụ công trực tuyến
Bước 4: Trả kết quả
- Thời hạn xử lý: 5 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ
- Nếu không đổi được: Phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do
- Lưu trữ hồ sơ:
- Thời gian: 2 năm kể từ ngày cấp
- Thu hồi GPLX cũ (với hồ sơ trực tuyến, người lái xe tự gửi GPLX cũ để hủy)
- Trừ trường hợp đổi giấy phép lái xe cho người có giấy phép lái xe tích hợp đang trong thời gian bị tước giấy phép lái xe
Truy cập thường xuyên vào trang web hoặc fanpage của Hyundai Việt Nhân để cập nhật những thông tin mới nhất liên quan đến giao thông vận tải nhé!